'Tôi không hiểu sao một cái bánh trung thu truyền thống lại có giá tới 60.000 - 80.000 đồng, bằng hơn nửa kg thịt heo loại ngon'.
Bánh trung thu cổ truyền vốn là một phần không thể thiếu trong mỗi mùa Tết đoàn viên. Nhiều năm nay, bánh trung thu hiện đại lại liên tục chạy theo thị hiếu khách hàng với đủ vị, đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Cũng do mải chạy theo thị hiếu, mà giá bánh trung thu ngày nay bị đẩy vượt quá giá trị thực, ngày càng trở nên đắt đỏ, màu mè, xa xỉ.
Nói về chuyện "ngáo giá" bánh trung thu, độc giả Long bức xúc: "Phải nói là bánh trung thu hàng Việt Nam quá đắt. Cả năm có một vụ nên người ta cứ mặc sức nâng giá bán. Kể cả mua nguyên liệu giá siêu thị cũng chẳng đến 15.000 đồng một cái. Làm thủ công bán giá 20.000 đồng là lãi được 10.000 đồng rồi, hàng nhà máy còn rẻ hơn vì nhập nguyên liệu số lượng lớn, có công nghệ, máy móc tự động. Vậy thử hỏi có vô lý không?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Quangdp nhận định: "Mấy năm nay nhà tôi không mua bánh trung thu, hầu hết được biếu mới ăn. Tôi thấy việc bỏ ra 60.000 - 80.000 đồng để mua một cái bánh trung thu khá đắt đỏ. Mức giá đó bằng hơn nửa kg thịt heo loại ngon. Đó là còn chưa tính đến những loại bánh được gọi là cao cấp với giá hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng một cái, mà trong nhân bánh lại có quá nhiều chất béo, ngọt, thực phẩm chế biến có thể gây hại cho sức khỏe".
"Bánh trung thu chay đang được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng một cái, bánh thập cẩm giá 70.000 - 80.000 đồng. Tôi không hiểu vì sao bánh lại được bán đắt như vậy nên quyết định không mua. Giờ trung thu, tôi thà mua đồ chơi vừa túi tiền cho trẻ con, chứ bánh mua về vừa đắt mà cũng không ai tha thiết ăn vì quá ngọt", độc giả Quangthiep nói thêm.
Nói về câu chuyện giá bán bánh trung thu vượt quá giá trị thực, bạn đọc Doctor X phân tích: "Bánh trung thu được bán theo mùa nên nhiều nơi kinh doanh theo kiểu 'mua 1 tặng 4 vẫn lời'. Làm ăn theo kiểu mùa vụ, chộp giật như vậy là câu chuyện quen thuộc ở Việt Nam, không riêng gì với bánh trung thu. Nếu họ bán giá cạnh tranh hơn thì có lẽ người tiêu dùng đã mua ủng hộ từ đầu mà không chờ đến gần cuối vụ, hạ giá mới mua".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Godfather chia sẻ: "Tôi từng làm Giám sát kinh doanh cho một công ty bánh kẹo lớn. Mỗi mùa bánh trung thu, công ty chiết khấu 40% cho nhà phân phối, giá trị 60% còn lại vẫn đảm bảo cho công ty ít nhất lời 'một ăn một' (chưa nói có thể lời 2-3 lần). Ví dụ, cái bánh bán giá 50.000 đồng thì chi phí làm ra chỉ khoảng 15.000 đồng kể cả bao bì hộp đựng. Cuối cùng, người tiêu dùng mua cái bánh 50.000 nhưng không biết chi phí làm ra có được nổi 10.000 đồng không nữa?".
Nhấn mạnh sai lầm trong việc định giá bánh trung thu cao phi lý của các doanh nghiệp Việt, bạn đọc Messiah kết lại: "Vấn đề hiện nay là giá bánh trong nước đang cao gấp chín lần bánh nhập từ nước ngoài về. Tức là, nếu bạn có 30.000 đồng thì vẫn mua được năm cái bánh ngoại cho cả gia đình năm người, nhưng không thể mua nổi một cái cùng loại hàng trong nước. Các doanh nghiệp Việt cần xem lại cách định giá sản phẩm của mình, còn không thì bánh ngọai vẫn sẽ đè chết bánh nội".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Hãy bình luận cho mọi người thảo luận với nhau
Một trong những giải pháp chống ngập căn cơ của TP Đà Nẵng là ưu tiên quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hạn chế tối đa bê-tông hóa
Trận mưa ngày 10-9 vừa qua với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn đã khiến một số tuyến đường nội đô của TP Đà Nẵng ngập cục bộ. Người dân địa phương dấy lên lo lắng khi nghĩ tới trận ngập lịch sử xảy ra vào tháng 10-2022 gây thiệt hại lớn.
Nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng bị ngập cục bộ sau trận mưa lớn trong thời gian ngắn vào tối 10-9
Rà soát toàn bộ điểm ngập
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng vừa phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn ra quân khơi thông hố ga, cống thoát nước. Qua đó phát hiện rất nhiều cửa thu bị bịt kín, vì người dân địa phương dùng các tấm ngăn để chặn lại nhằm hạn chế mùi hôi. Ông Huỳnh Trung Nhân, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, cho biết công nhân đã xử lý, làm sạch các cửa thu và đường cống.
Trước thực tế này, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng trước hết phải vận động người dân chung tay phòng chống ngập, khơi thông cửa thu nước, bằng việc không dùng các tấm chắn để ngăn mùi trên cửa thu nước.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trên địa bàn có khoảng 9 điểm thường xuyên ngập kéo dài trong đó có 6 điểm đang được triển khai dự án chống ngập và 3 điểm đang ở giai đoạn chuẩn bị các thủ tục triển khai đầu tư.
Trong 6 điểm ngập đang triển khai dự án, thì điểm thuộc khu vực Trung Nghĩa (quận Thanh Khê), do vướng mặt bằng nhiều năm nên UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tuyến cống theo hướng tách thành 2 nhánh. Hiện nay, tuyến số 1 đã thi công hoàn thành, cơ bản giải quyết được một phần tình trạng ngập úng tại khu vực.
Công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thực hiện vệ sinh các cửa thu giúp thoát nước mưa
Khu vực xung quanh đồi Trung Sơn ngập úng do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm, dẫn đến không thể thi công hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính nối từ kênh dọc đường số 4 KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê.
Tương tự, dự án ở khu vực cổng KCN Hòa Khánh vướng giải phóng mặt bằng và kéo dài nhiều năm, không thể đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là tuyến cống thoát nước chính nối từ nút giao đường số 2 KCN Hòa Khánh - Quốc lộ 1 đến hồ Bàu Sấu...
3 điểm đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, gồm: Khu vực đường Trần Xuân Lê; Tống Phước Phổ và Lê Tấn Trung.
Ngoài các điểm nói trên, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, ban quản lý dự án, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tiến hành rà soát toàn bộ các điểm ngập úng trong các trận mưa lớn.
Hàng loạt giải pháp
Để từng bước giải quyết căn cơ vấn đề ngập úng đô thị trên địa bàn thành phố, ông Võ Tấn Hà cho hay Sở Xây dựng đã kịp thời tham mưu, đề xuất UBND TP hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, tập trung triển khai việc nạo vét, khơi thông cống rãnh. Đồng thời, trước mỗi trận mưa, Sở Xây dựng chủ trì huy động nguồn lực của cộng đồng cùng chung tay với chính quyền trong việc khơi thông dòng chảy tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước. Bên cạnh đó, thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ.
Bố trí nhân lực túc trực thường xuyên và xử lý kịp thời sự cố ở các trạm bơm chống ngập. Riêng ở các khu dân cư thấp trũng, sở đề xuất chuẩn bị các máy bơm di động để xử lý kịp thời.
Một giải pháp chống ngập trước mắt không kém phần quan trọng là thực hiện hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa bao gồm: hồ Công viên 29 Tháng 3, Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ 3 Sen Vàng... để dự trữ dung tích điều tiết cho hồ, bảo đảm xử lý cho các khu vực lân cận.
Về giải pháp căn cơ, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên các dự án chống ngập; các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, chuyên ngành lưu ý trong quá trình lập đồ án quy hoạch ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Đặc biệt, cần lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa để tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt của các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới.
Đã nạo vét hơn 3.000 m3 bùn
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã thực hiện nạo vét khoảng 3.200 m3 bùn ở hệ thống mương, cống thoát nước. Công ty đã khảo sát hiện trạng và sẽ tiếp tục nạo vét khoảng 1.200 m3 bùn trong thời gian tới. Ngoài ra, UBND các quận, huyện cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nạo vét cống thoát nước đối với phạm vi phân cấp quản lý.
Ông P.C.M. cho biết, trên đường đi đón con học thêm ông bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn do buổi trưa cùng ngày uống 2 lon bia tại nhà với người thân.
Trao đổi với VietNamNet hôm nay, ông P.C.M. – Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) xác nhận, ông vừa bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong người.
Lực lượng công an tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với ông P.C.M. Ảnh CACC
Theo ông M. trưa ngày 16/9, là ngày nghỉ và nhà có việc nên ông ăn cơm và uống 2 lon bia với một số người thân.
Đến khoảng 23h tối cùng ngày, ông M. lái xe cá nhân đi đón con học thêm về nhà. Trên đường ông bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe đo nồng độ cồn và ra kết quả 0,064 mg/l khí thở.
“Thời điểm xảy ra sự việc, bản thân tôi tỉnh táo và chấp hành hiệu lệnh của lực lượng công an.
Do uống 2 lon bia từ buổi trưa, không nghĩ trong hơi thở mình còn nồng độ cồn nên buổi tối mới đi ô tô đi đón con, dẫn đến vi phạm nồng độ cồn. Nếu biết thế này tôi để vợ lái xe”, ông M. nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, bản thân ông bình thường rất ít khi uống rượu, bia và chỉn chu trong công việc. Trong một số trường hợp cần giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, ông sẽ chủ động gọi taxi chứ không lái xe cá nhân.
Trước đó, tối 16/9, Tổ công tác số 5 của Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP Huế (tỉnh TT-Huế) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và trực tiếp xử lý vi phạm nồng độ cồn tại TP Huế.
Khoảng 22h48 cùng ngày, Tổ công tác dừng ô tô mang BKS 75A-01x.xx do tài xế P.C.M. (SN 1975, trú tại TT-Huế) điều khiển. Qua kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công an xác định tài xế M. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,064mg/l khí thở.
Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời, sẽ làm thông báo vi phạm luật giao thông gửi về đơn vị công tác của người vi phạm để có hình thức xử lý tại cơ quan.
(Dân trí) - Đà Nẵng vừa công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 2 khu đất với tổng diện tích hơn 37.000m2, mục đích xây siêu thị và trường học.
Ngày 12/9, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 2 khu đất, mục đích xây siêu thị và trường học.
Trong đó, Công ty cổ phần Giáo dục Việt Mỹ Hải Phòng trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu A5-12 (trường liên cấp quốc tế) thuộc khu E2 mở rộng (giai đoạn 1) nằm ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
Khu đất có diện tích hơn 18.000m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm, giá trúng đấu giá hơn 425.000 đồng/m2/năm.
Một khu đất tại khu vực phía đông nam ký túc xá sinh viên, phường Hòa Khánh Nam (Ảnh: Hoài Sơn).
Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), địa chỉ TP Thủ Đức (TPHCM), trúng đấu giá quyền sử dụng đất với khu thương mại dịch vụ (siêu thị) tại phía đông nam ký túc xá sinh viên (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Khu đất có diện tích hơn 19.000m2, gồm 4 mặt tiền đường. Thời hạn sử dụng đất 50 năm. Giá trúng đấu giá gần 793.000 đồng/m2/năm.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với 60 lô đất trên địa bàn thành phố. Giá khởi điểm cao nhất là gần 113 triệu đồng/m2.
Phía sau câu chuyện xúc động về người phụ nữ cưới vợ mới cho con rể cũ
Mới đây, một đám cưới "có một không hai" diễn ra tại huyện Quốc Oai, Hà Nội đã khiến nhiều người không khỏi xúc động bởi câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó.
Những ngày gần đây, mọi người rầm rộ chia sẻ câu chuyện về một đám cưới đặc biệt diễn ra vào ngày 3/9. Theo đó, chú rể Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) được mẹ vợ cũ là bà Lê Thị Sáu (59 tuổi) tác hợp để cưới vợ mới, giữ lại sống chung nhà.
Đám cưới có một không hai này khiến nhiều người rơi nước mắt xúc động và không khỏi tò mò về mối quan hệ giữa mẹ vợ, chàng rể.
Cổ tích ngoài đời thật
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi tìm đến xã xóm Đá Thâm, thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội với mong muốn được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện phía sau.
Hỏi thăm về gia đình bà Sáu, những người hàng xóm tại đây ai cũng biết và thán phục trước đám cưới trên.
"Đám cưới của anh Lịch và chị Dung - người vợ mới diễn ra vào ngày 3/9. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn cứ ngỡ là mơ, đây thực sự là câu chuyện cổ tích ngoài đời thật, khi đích thân mẹ vợ đứng ra lo liệu cưới vợ mới cho con rể. Ngày anh Lịch cùng bà Sáu đi đón dâu, gần như cả làng chúng tôi đến xem, có cả cụ đã 90 rồi vẫn thốt lên chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy"- chị Thúy sinh sống gần nhà bà Sáu cho hay.
Con đường chỉ lác đác xe qua lại, câu chuyện chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng xe máy, bà Sáu và anh Lịch đi ngang qua. Thấy bà Sáu, chị Dung liền gọi to và giới thiệu chúng tôi.
Theo chân hai mẹ con về không gian diễn ra đám cưới đặc biệt là một cơ ngơi khang trang, rộng gần 2.000m2 do một tay bà Sáu gây dựng sau mấy chục năm một mình nuôi con.
Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Sáu cho hay: "Vừa qua, gia đình tôi có tổ chức 50 mâm cỗ, cưới vợ mới cho con rể Lịch. Trong lễ cưới, tôi cùng bố mẹ đẻ của Lịch đại diện cho nhà trai, mang lễ cưới vợ mới cho con".
Ngôi nhà của Bà Sáu, nơi diễn ra đám cưới đặc biệt ngày 3/9
"Tôi không có lý do gì để đuổi Lịch ra khỏi nhà"
Câu chuyện của gia đình bà Sáu bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm, khi anh Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) quen biết chị Nguyễn Thị Hương (con gái bà Sáu). Rất nhanh sau đó, cả hai tiến tới hôn nhân.
Bà Sáu tâm sự, số bà vất vả, chồng mất từ khi con còn nhỏ. Một mình bà gồng gánh nuôi hai người con gái lớn khôn, chính vì vậy khi con gái lấy chồng, bà rất mong có một người chịu ở rể, để bà được quây quần bên con cháu tuổi xế chiều.
Khi anh Lịch đến ngỏ lời kết duyên cùng chị Hương, bà Sáu thẳng thắn chia sẻ: "Nhà bác chỉ có 2 người con gái, con gái cả đã đi lấy chồng. Giờ cháu có chịu ở rể để chăm lo cho con gái bác, cũng như bác được không?".
Anh Lịch không suy nghĩ gì nhiều, ngay lập tức đồng ý lời đề nghị của mẹ vợ tương lai. Nhà anh Lịch quê ở Yên Trung, huyện Thạch Thất - cách nhà bà Sáu khoảng 15km. Khi đề cập chuyện ở rể với bố mẹ đẻ, anh Lịch nhận được sự đồng ý.
"Mình nghĩ ở đâu cũng được. Nhà mình có hai anh em trai, mình là em. Sau khi nói chuyện về việc mình sẽ ở rể, bố mẹ mình cũng ủng hộ quyết định của con"- anh Lịch nói.
Bà Sáu cùng con rể ngồi trò chuyện
Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân đôi vợ chồng trẻ trôi qua bình yên, hạnh phúc. Cả hai có với nhau 2 bé, 1 trai 1 gái , năm nay đã 9 tuổi và 6 tuổi.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 3 năm, khi chị Hương bắt đầu học nghề spa, quan điểm sống của chị dần thay đổi. Hai vợ chồng xảy ra nhiều mẫu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân khiến "cơm chẳng lành, canh không ngọt". Khi ấy, anh Lịch vẫn một lòng một dạ muốn vợ chồng hàn gắn, bỏ qua tất cả để tiếp tục hôn nhân.
Nhìn thấy tình cảm hai con rạn nứt, bà Sáu cũng ra sức hòa giải, khuyên can con gái nhưng chị Hương một mực đòi ly hôn. Chị đơn phương nộp đơn lên toà, thấy vậy bà lại xin tòa cho gia đình thêm thời gian để về hòa giải.
"Khi con gái tôi nộp đơn lên tòa, tôi đến xin tòa thêm thời gian để hàn gắn hạnh phúc cho hai con. Mọi người đều ngạc nhiên khi chưa bao giờ thấy cảnh mẹ vợ phải đi xin hoãn ly hôn cho con như thế này"- bà Sáu chia sẻ.
Bà Lê Thị Sáu chia sẻ về câu chuyện cưới vợ mới cho con rể
Trong thời gian đó, chị Hương chủ động sống ly thân với chồng trong chính ngôi nhà. Một thời gian sau, chị dọn ra khỏi nhà cách đó khoảng 10km, để lại 2 đứa con. Thi thoảng chị về đón con đi chơi, mỗi lần về, chị chỉ vào nhà vài phút để đón con, không ăn cơm, cũng không ở lại.
Cách đây 9 tháng, anh chị chính thức ly hôn. Những ngày tháng sau đó, anh Lịch "gà trống nuôi con", không ít lần anh phải bật khóc trong đêm vì thương xót cho cuộc hôn nhân, các con còn bé, mẹ phải lo lắng suy nghĩ nhiều,... và những khó khăn sau này.
Theo bà Sáu, sau ly hôn, nhiều lần chị Hương nói với bà về chuyện anh Lịch ở lại không phù hợp. Tuy nhiên bà Sáu luôn giữ quan điểm: "Không có lý do gì để đuổi Lịch ra khỏi nhà, bởi sống chung hơn chục năm, hai mẹ con chưa từng xảy ra to tiếng, mâu thuẫn. Hơn nữa chàng rể Lịch chịu khó làm ăn, chăm sóc bà và nuôi nấng 2 đứa cháu mình."
Hơn chục năm chung sống cùng nhà, hai mẹ con chưa từng một lần xảy ra mâu thuẫn hay to tiếng với nhau
Coi con rể như con ruột của mình
Hơn chục năm chung sống, bà Sáu đã coi anh Lịch như người con ruột. Bà Sáu nói với anh Lịch: "Nếu mẹ không đuổi thì con không phải đi đâu hết".
Trong mắt bà, anh Lịch chẳng có điểm gì chê. Khi các cháu ngày một lớn, tuổi bà ngày một cao, bà liên tục thúc giục con rể đi tìm hạnh phúc mới. Đồng thời, bà cũng đi hết làng trên, xóm dưới, hễ gặp ai lại giới thiệu và tìm người phù hợp cho con rể của mình.
"Lịch còn trẻ quá, nhìn nó quần quật làm việc ngày đêm, chăm lo cho bà cháu mà tôi không khỏi xót xa. Nhiều khi nó ốm, mình lại là mẹ vợ, đưa viên thuốc cho nó còn ngại, nên lúc nào cũng động viên con đi tìm hạnh phúc mới, về ở cùng với mẹ. Tôi cũng thông báo ý định ấy cho con gái của mình"- bà Sáu nói.
Biết mẹ vợ lo lắng cho tương lai của mình nhưng thời gian đầu, anh Lịch nghe xong chỉ mỉm cười rồi cho qua.
Từ ngày con gái ra khỏi nhà, anh Lịch luôn là người chăm sóc cho bà Sáu và các con
Nhiều tháng trôi qua, anh Lịch tình cờ gặp được chị Dung. Anh Lịch cho biết, chị Dung có 1 người con riêng và cũng đã trải qua nhiều chuyện đau buồn. Khi quen chị, anh cũng chia sẻ về cuộc sống của mình. Sau một thời gian dài tìm hiểu, anh Lịch và chị Dung mạnh dạn mở lòng để đón nhận tình cảm của nhau.
Người đầu tiên anh Lịch xin phép được bắt đầu mối quan hệ mới chính là mẹ vợ. Nhớ lại giây phút ấy, bà Sáu kể: "Thú thực lúc ấy khi nghe con nói, tôi vui buồn lẫn lộn. Bởi con đã chịu nhiều vất vả, sợ rằng gặp một người không tốt. Nhưng sau nhiều lần Lịch dẫn Dung về, nhìn cách Dung đối xử với mình, với Lịch và các cháu, tôi yên tâm ủng hộ con hết lòng và mong con thật hạnh phúc".
Nói về người con dâu mới, bà cho hay: "Sau này tôi chưa biết thế nào, nhưng trước mắt thấy cháu hiền hậu, chu đáo. Mỗi lần xuống nhà, Dung đều tắm gội, nấu cơm, chăm sóc bọn trẻ như mẹ đẻ. Bọn trẻ con rất quý và quấn quýt với con bé. Chúng gọi luôn là mẹ Dung. Nhất là con bé thứ hai, từ ngày có mẹ Dung là nó không ngủ với bà nữa.".
Mẹ vợ cưới vợ mới cho con rể cũ
Mới đây, ngày 3/9, đám cưới được tổ chức ngay tại không gian nhà của bà Sáu. Đám cưới diễn ra suôn sẻ và nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi, ủng hộ hôn nhân mới của 2 người trẻ cùng chung hoàn cảnh muốn nương tựa vào nhau.
Bà cho biết, cả xã này và cả nhà gái ở Lương Sơn, Hòa Bình đều nói rằng đây là "chuyện lạ có thật".
Bà Sáu cùng mẹ ruột của anh Lịch trong ngày cưới của 2 con
Coi Lịch là con trai, bà chuẩn bị phòng cưới cho con như trai tân lấy vợ. Toàn bộ giường chiếu, chăn ga gối đệm, tủ quần áo, bà đều sắm đồ mới tinh. Tại lễ cưới, bà cũng lên trao cho các con một cặp nhẫn vàng.
"Tôi chỉ làm 50 mâm, chỉ có toàn họ hàng, con cháu trong nhà và nhà gái, không mời làng xóm vì sợ mang tiếng vì phong bì mừng. Đến giờ mọi người vẫn trách tôi vi không mời ai cả"- bà Sáu thật thà chia sẻ.
Bà Sáu trao quà cưới cho 2 con
Nói về đám cưới của Lịch, bà Sáu rưng rưng kể về cô cháu gái 6 tuổi. "Khi thấy bố chuẩn bị có hạnh phúc mới, cô bé chạy đến hỏi han rồi nói: "Bố ơi, bố lấy vợ mới đừng bỏ rơi con nhé, đừng bắt con nghỉ học,…". Lịch hai mắt đỏ hoe, ôm chầm lấy đứa con bé bỏng: "Không, bố vẫn là bố của con, con vẫn được đi học bình thường, nhận tình yêu thương từ bố và mẹ mới". Nghe những lời đó tôi không cầm được nước mắt"- bà Sáu kể lại.
Cô dâu mới dắt tay con gái riêng của anh Lịch vào nhà
Trước ngày lễ cưới diễn ra, bà Sáu cũng dặn con gái mình nên về để cơm nước, lo lắng cho chồng cũ. Tuy nhiên bà cũng không quên nhấn mạnh "về thì phải vui vẻ, không thì thôi".
Khi được hỏi nếu con gái lấy chồng và muốn về đây sống, bà sẽ tính sao, bà Sáu không chần chừ cho biết: "Tôi đã chuẩn bị phương án cho việc này, tôi sẽ không cho Hương về đây vì hai bên sẽ va chạm nhau rất khó xử. Nếu sau này Hương lấy chồng mới, tôi cũng sẽ lo cho con. Tôi cũng đã chuẩn bị cho Hương nơi ở, tuy nhiên không phải ở đây".
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, anh Lịch ngồi đối diện bà Sáu luôn trầm lặng. Nhưng khi được hỏi, anh chia sẻ rất rành mạch: "Tôi rất xúc động khi có một người mẹ như mẹ Sáu. Mẹ Sáu như là mẹ đẻ thứ 2 của tôi, tôi sẽ phụng dưỡng mẹ chu đáo để không phụ lòng mẹ chăm lo cho mình".
Những ngày tháng tới, bà Sáu sẽ coi con riêng của chị Dung như cháu ruột mình, giống như chị coi các cháu ngoại của bà như con đẻ. Cả 3 người cùng chung sống vui vẻ, hòa thuận, để chăm lo cho 3 đứa trẻ một cuộc sống đủ đầy nhất.
Gần 118.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học, tính đến 17h ngày 8/9.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tối nay cho biết trong hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, có hơn 660.000 đăng ký xét tuyển đại học. Trong đó, số trúng tuyển đợt 1 là gần 612.300, chiếm 92,7%.
Tính đến 17h ngày 8/9, hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, gần 494.500 em đã thực hiện, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển.
Số thí sinh không xác nhận nhập học là gần 118.000. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không có lý do chính đáng, những thí sinh này coi như từ chối quyền nhập học. Muốn học đại học, các em phải tham gia các đợt xét tuyển bổ sung hoặc đăng ký xét tuyển lại vào các năm sau.
Nếu tính trên tổng thi sinh dự thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh vào đại học năm nay sau đợt tuyển sinh đầu tiên chiếm tỷ lệ 49,3%.
Năm ngoái, trong hơn 567.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1, khoảng 103.000 bỏ nhập học. Tỷ lệ thí sinh vào đại học đợt 1 trên tổng số thi tốt nghiệp là 45,77%.
Số liệu tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2022 và 2023
Năm nay, hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.
Tại hội nghị tổng kết năm học với giáo dục đại học hôm 26/8, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá công tác tuyển sinh đại học đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống xét tuyển của Bộ.
Ngay sau khi thông báo điểm chuẩn hôm 24-25/8 đến đầu tháng 9, hàng chục trường thông báo tuyển bổ sung. Với số lượng bỏ nhập học lên tới gần 118.000, dự kiến số chỉ tiêu tuyển bổ sung sẽ tiếp tục tăng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được phép tuyển bổ sung đến tháng 12 nếu thiếu chỉ tiêu.
Ngay đầu năm học mới 2023- 2024, Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots) bất ngờ thông báo đóng cửa khiến nhiều phụ huynh và học sinh như "ngồi trên đống lửa".
Chồi Xanh "đá" qua, APU "đẩy" lại
Những ngày qua, nhiều người có con em theo học tại Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots), đóng tại phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam rất sốc và bức xúc khi nhận được thông báo đóng cửa từ phía nhà trường ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024..
Trường quốc tế Chồi Xanh ra thông báo đóng cửa ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024.
Theo phản ảnh của các phụ huynh, từ tháng 5/8/2023, Trường quốc tế Chồi Xanh do bà Catherine Clare Mckinley (52 tuổi, quốc tịch Anh) điều hành, người đại diện pháp luật là bà Sue Lyn Ryan (55 tuổi, quốc tịch Australia), đã tổ chức tuyển sinh học sinh từ mẫu giáo đến THPT năm học 2023-2024, dự kiến ngày 22/8 sẽ tựu trường năm học mới 2023-2024.
Bất ngờ vào ngày 8/8, tất cả phụ huynh nhận được thông báo từ bà Catherine Clare Mckinley qua email với nội dung đã chuyển toàn bộ học sinh đang theo học tại trường qua Trường quốc tế Mỹ APU Đà Nẵng (APU), đồng thời, bà Catherine không còn điều hành Trường quốc tế Chồi Xanh nữa.
Các phụ huynh bức xúc phản ánh rằng, trong nội dung email thông báo, bà Catherine không đưa ra bất cứ giải thích, lý do hoặc trao đổi nào về việc học sinh sẽ học ở trường APU mặc dù đã chuyển tiền học phí cho Trường quốc tế Chồi Xanh trước đó với số tiền dao động từ 350-400 triệu đồng/học sinh.
Dù họ phản ánh nội dung trên qua email cho bà Catherine, nhưng người này vẫn không đưa ra bất cứ giải thích, lý do hoặc trao đổi nào.
Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con theo học ở trường quốc tế Chồi Xanh chia sẻ, khi nhận được thông báo từ bà Catherine đã rất hoang mang. Đỉnh điểm đến ngày 11/8, trường APU đã gửi thông báo qua email rằng, họ không phải là trường mà con em của phụ huynh trường Chồi Xanh sẽ theo học. Lý do được APU đưa ra là vì trường không nhận học phí của phụ huynh Chồi Xanh
“Họ nói qua nói lại còn con em chúng tôi bị đẩy ra đường. Thậm chí, trường Chồi Xanh không có bất cứ trao đổi nào về số tiền đã nhận của phụ huynh và đã tháo dỡ hết các công trình trường, chấm dứt hoạt động. Giờ bà Catherine Clare Mckinley và Sue Lyn Ryan đã bỏ về nước”, phụ huynh này bày tỏ.
Cơ sở vật chất của trường học bị tháo dỡ.
Hiện tại, địa điểm dạy học của Trường quốc tế Chồi Xanh tại phường Cẩm Châu đã bị chủ nhà lấy lại, tiến hành tháo dỡ cơ sở vật chất. Đồng thời, các giáo viên bị cho thôi việc.
Bức xúc, nhiều người đã làm đơn tố giác gửi đến Công an tỉnh Quảng Nam để đề nghị xác minh, làm rõ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
“Đơn vị đã nhận được đơn tố cáo về việc Trường quốc tế Chồi Xanh, trực thuộc Công ty TNHH Giáo dục Chồi Xanh Việt Nam về việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là học phí nhập học năm học 2023-2024 của học sinh. Hiện đơn vị đang xác minh thông tin để có hướng xử lý theo quy định pháp luật”, Đại tá Nguyễn Hà Lai- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết.
Sở Giáo dục và Đào tạo không thể can thiệp sâu
Liên quan vấn đề trên, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Nam Thái Viết Tường thông tin, sở đã nhận được phản ánh của các bậc phụ huynh và đã tổ chức kiểm tra. Đồng thời, mời đại diện Trường quốc tế Chồi Xanh và các phụ huynh làm việc.
Tại buổi làm việc cho thấy, nguyên nhân Trường quốc tế Chồi Xanh bất ngờ đóng cửa là do hết hợp đồng thuê nên bị lấy lại cơ sở vật chất, thu lại địa điểm dạy học. Để giải quyết vướng mắc, trường hứa mượn cơ sở vật chất của một đơn vị khác để tiếp tục giảng dạy. Hiện hai bên đang đàm phán, dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả.
Ngoài ra, khi bà Catherine Clare Mckinley về nước đã ủy quyền cho một người Việt Nam thay mặt xử lý mọi việc. Trường quốc tế Chồi Xanh có hiệu trưởng người Việt Nam là bà Thái Thị Quyên. Tuy nhiên, bà Quyên chỉ đứng trên danh nghĩa là hiệu trưởng nhưng lại không có quyền quyết định, cũng như không được can thiệp sâu vào việc điều hành của Trường quốc tế Chồi Xanh.
Hiện tại vụ việc đã được Sở GD&DDT báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Nam.
“Sở đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Đại sứ Quán Anh tại Việt Nam mời bà Catherine Clare Mckinley quay trở lại Việt Nam để giải quyết vụ việc trong trường hợp nhiều vướng mắc, khó khăn cần bà giải quyết”, ông Tường nói.
Cũng theo ông Tường, việc bà Catherine Clare Mckinley bỏ về nước đã để lại nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, Sở GD& ĐT chỉ quản lý về mặt nhà nước nên chỉ giải quyết đến vậy, chứ không thể can thiệp sâu.
Trước mắt, sở đề nghị các bậc phụ huynh chưa đóng học phí năm học mới cho Trường quốc tế Chồi Xanh tìm trường khác để đảm bảo việc học của con em mình. Còn những phụ huynh đã nộp học phí thì yêu cầu đại diện Trường quốc tế Chồi Xanh sớm giải quyết bằng cách thuê lại cơ sở vật chất mở lớp trở lại, tiếp tục đào tạo, giảng dạy như đã cam kết với phụ huynh.
Sau khi nhận được phản ánh của công dân, UBND phường An Hải Tây xác minh người vi phạm và thực hiện xử phạt.
Ngày 6/9, theo UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng, đơn vị vừa có quyết định xử phạt bà B.T.T, SN 1995, trú tại địa phương, là người giữ xe tại chợ đêm Sơn Trà.
Trước đó, UBND phường An Hải Tây nhận được phản ánh của công dân về việc người giữ xe, có thái độ khó chịu, đuổi du khách, người dân khi dừng xe tại cổng chính chợ đêm Sơn Trà.
Việc này gây mất hình ảnh trong mắt du khách, người dân.
Sau đó, UBND phường An Hải Tây đã kiểm tra thực tế, xác định người có hành vi như công dân phản ánh là bà B.T.T. và tiến hành mời về trụ sở làm việc.
Qua đó, UBND phường đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng đối với bà B.T.T..
Chợ đêm Sơn Trà.
Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu bà B.T.T. thực hiện nghiêm túc việc ứng xử giao tiếp văn hoá, văn minh thương mại và trật tự đô thị. Nếu tiếp tục vi phạm, UBND phường sẽ tiến hành nghiêm cấm việc kinh doanh tại vị trí hộ dân đang hoạt động.
Ngoài ra, UBND phường đã mời tất cả các hộ giữ xe họp tại phường để quán triệt tất cả các nội dung liên quan đến quy định về giá giữ xe, chèo kéo khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng xử giao tiếp văn hoá văn minh thương mại, trật tự đô thị…
Qua đó, cơ quan chức năng yêu cầu tất cả các hộ dân nghiêm túc chấp hành các nội dung quy định của địa phương, nếu cố tình vi phạm, UBND phường sẽ xử lý nghiêm vi phạm hành chính theo quy định.
Tất cả các hộ dân cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định được UBND phường triển khai.
Chợ đêm Sơn Trà là địa điểm du lịch, ăn uống, mua sắm sôi động hấp dẫn du khách khi đến Tp.Đà Nẵng.
(Chinhphu.vn) - Bão số 3 (bão SAOLA) mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17, di chuyển rất phức tạp.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 10/CĐ chỉ đạo ứng phó bão
Bão SAOLA mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17 đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3
Chiều 30/8, bão SAOLA đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2023.
Hồi 07 giờ ngày 01/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/h.
Dự báo diễn biến bão số 3 (bão SAOLA) trong 24 đến 72 giờ tới:
Thời điểm dự báo
Hướng, tốc độ
Vị trí
Cường độ
Vùng nguy hiểm
Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)
07h/02/9
Tây Tây Bắc, 10-15 km/h
21,9N-113,3E
trên vùng biển phía Nam Ma Cao (Trung Quốc)
Cấp 13, giật cấp 16
Bắc 19,5N; 111,5-118,0E
Cấp 3: phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông
07h/03/9
Tây Tây Nam, khoảng 10 km/h
21,2N-111,6E
trên vùng biển phía Tây Nam Quảng Đông (Trung Quốc)
Cấp 10, giật cấp 12
Bắc 19,5N; 110,0-115,0E
Cấp 3: phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông
07h/04/9
Tây Nam, khoảng
5 km/h
20,4N-110,9E trên vùng biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc)
Cấp 8, giật cấp 10
Bắc 19,0N; 109,5-113,5E
Cấp 3: phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông
Cảnh báo diễn biến bão SAO LA (bão số 3) (từ 72 đến 120 giờ tới)
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Nam, sau đó là Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy giảm thêm.
Dự báo tác động của bão SAOLA (bão số 3)
Trên biển: Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Nước dâng, sóng lớn: Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m.
Công điện số 10/CĐ-QG ngày 31/8/2023 chỉ đạo ứng phó bão số 3 (bão SAOLA)
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai -Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 10/CĐ hồi 09 giờ 00 ngày 31/8/2023 gửi các tỉnh/ thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi về việc ứng phó với bão SaoLa.
Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thuỷ hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân, tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão và công tác chỉ đạo ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
3 kịch bản di chuyển của bão SAOLA
Kịch bản 01 (60-70%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và suy yếu dần
Kịch bản 02 (20%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đổi hướng di chuyển hướng về khu vực Lôi Châu (Trung Quốc).
Kịch bản 03 (10%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ đổi hướng, di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, đổ bộ vào khu vực giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc),
suy yếu và tan dần
Hiệu ứng Fujiwara - Hiện tượng bão đôi
Trung tâm cũng thông tin, cùng với hoạt động của bão Saola thì lúc này ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, cách bão Saola khoảng 1500km về phía Đông cũng đang tồn tại một cơn bão mạnh khác, có tên quốc tế là HAIKUI.
Bão HAIKU mới hình thành, cường độ mạnh cấp 8, sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tạo ra hiệu ứng bão đôi trên Tây Bắc Thái Bình Dương khiến cho đường đi của bão SAOLA sẽ có những diễn biến phức tạp.
Sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tương tác với bão SAOLA tạo ra hiệu ứng bão đôi, hay còn gọi là hiệu ứng Fujiwara. Với tương tác Fujiwara xuất hiện thì đường đi của bão SAOLA đã có nhiều thay đổi.
Dự báo ban đầu bão đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc), sau đó di chuyển vào khu vực Phúc Kiến (Trung Quốc).
Nhưng trong 1-2 ngày gần đây bão SAOLA dự báo của các Trung tâm dự báo bão quốc tế bắt đầu có sự thay đổi về hướng dịch chuyển, lệch hơn về phía Nam và đi vào Biển Đông trong khoảng 30 đến 48 giờ tới.
Do có nhiều yếu tố chi phối nên chưa có dự báo nào chắn chắn về hướng di chuyển của bão số 3 trong 3-5 ngày tới. Cần phải tiếp tục thẽo dõi và cập nhật. Trước mắt, cần lưu ý những nguy cơ tác động trên vùng biển phía đông của Bắc Biển Đông trong 2 ngày tới.
Nhận định về bão SAOLA, ngày 30/8, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong ngày 30/8, hoàn lưu bão SAOLA sẽ ảnh hưởng tới vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gây ra gió mạnh cấp 6.
Từ chiều và đêm 30/8 mạnh lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-12, sau tăng lên cấp 13-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao 6-8m; biển động dữ dội. Từ đêm 30/8, khu vực phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông có mưa bão.
“Bão SAOLA có thể là cơn bão thứ 3 hoạt động trên Biển Đông trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023.
Tuy nhiên, khả năng bão SAOLA ảnh hưởng gây gió mạnh trên cấp 6 và mưa to cho các khu vực ven biển và đất liền nước ta là không cao. Dịp nghỉ lễ 2/9, cơn bão này sẽ không gây thời tiết xấu trên đất liền”, ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo, để chủ động ứng phó với diễn biến bão SAOLA, người dân, đặc biệt là các ngư dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh bão của chính quyền địa phương.
Cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Thời tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết chi tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1 đến 4/9) như sau:
Khu vực Bắc Bộ: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ, có nơi trên 34 độ C.
Khu vực Trung Bộ: Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến ít mưa, ngày có nắng.
Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-35 độ C.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Chiều và tối có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to; ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày ở Tây Nguyên phổ biến 27-30 độ C; ở Nam Bộ phổ biến 29-32 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Hà Nội: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-34 độ C.
DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN VÀ MƯA DÔNG TRÊN BIỂN
Ở trạm đảo Phú Quý đã có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Dự báo diễn biến trong 24h tới
Thời điểm dự báo
Vùng biển ảnh hưởng
Gió mạnh
Độ cao sóng
Cấp gió
(cấp Bô-pho)
Hướng
Độ cao (mét)
Hướng
Ngày và đêm 31/8
Khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa)
Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.
Tây Nam
2,0-4,0m
Tây Nam
Ngày và đêm 31/8
Vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu
Cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Tây Nam
2,0-3,5m
Tây Nam
Ngày và đêm 31/8
Vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông
Gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Nhiều hướng
4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 8,0-10,0m
Nhiều hướng
Ngoài ra, ngày và đêm 31/8, ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo
Ngày và đêm 01/9, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16, biển động dữ dội, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m.
Vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông,
vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2; vùng biển phía phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông: cấp 3.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Công điện số 09/CĐ-QG yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến của bão SAOLA
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 09/CĐ-QG hồi 10 giờ 30 ngày 29/8/2023 về việc chủ động ứng phó với bão SAOLA.
Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ ba, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Thứ tư, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão SAOLA
Ngày 29/8/2023, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) có Công điện số 05/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh về việc chủ động ứng phó với diễn biến bão SAOLA.
Với yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến bão, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, căn cứ thực tế tình hình bão, các đơn vị cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến bão.
Thứ hai, sẵn sàng các điều kiện, lực lượng, phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát, điều tiết, phân luồng giao thông, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ địa phương di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu;
Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm tình hình liên quan đến thiên tai để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm;
Phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn rà soát các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, nhất là các công trình có khả năng tác động, ảnh hưởng lớn khi xảy ra sự cố, kịp thời bổ sung các phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp;
Tập trung nắm, trao đổi, phối hợp triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình có dự án trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an;
Bảo đảm an toàn các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.
Thứ ba, các đơn vị làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với lực lượng tại hiện trường kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323).
Khẩn trương thông báo để tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão SAOLA, chiều 29/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 3 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.
Các địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn.
Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.