May 6, 2024

Chủ tịch Hội An nói gì về việc giá cả đắt đỏ, khách quay ngược ra Đà Nẵng tiêu tiền?

(Tuổi Trẻ) - Trước việc dòng khách dồn vào phố cổ nhưng chỉ đi dạo vì giá cả quá đắt rồi quay ra Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) - nói đây là điều rất bình thường và Hội An không tranh giành khách với điểm đến nào.




"Hội An xưa nay vẫn kiên trì dòng khách yêu thích di sản, thưởng lãm cảnh sinh thái đồng quê, môi trường và các giá trị văn hóa bản địa. Thành phố cũng quá nhỏ để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu" - ông Sơn nói.


Hội An kiên trì đón dòng khách truyền thống


* Cao điểm lễ vừa qua lượng khách đến Hội An rất đông, nhưng phần lớn khách nội địa đều không nán lại lưu trú chi tiêu mà ra Đà Nẵng, vì sao vậy, thưa ông?


- Mỗi điểm đến có thế mạnh riêng biệt, định hướng du lịch cũng khác. Đà Nẵng có thế mạnh như ẩm thực, sự kiện… 


Khi xây dựng các sản phẩm, mỗi địa phương bám theo thế mạnh này để thu hút khách.


Hội An xưa nay luôn kiên trì và sẽ kiên quyết đi theo du lịch di sản, văn hóa, sinh thái. Điều này rất phù hợp với dòng khách các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Úc… 


Trong khi đó khách nội địa, Đài Loan… lại thích trải nghiệm ăn uống, vui chơi tắm biển ở Đà Nẵng hơn.


Lễ vừa qua khách tới Hội An đông nhưng chọn Đà Nẵng lưu trú, ăn uống thì cũng là điều rất bình thường, vì họ thấy Đà Nẵng phù hợp hơn.


* Nhưng nhiều khách tới Hội An và nói rằng ít dịch vụ, hoạt động để trải nghiệm?


- Theo kinh nghiệm làm du lịch của Hội An thì đúng là với khách nội địa và một số quốc gia thì Hội An chưa phong phú. Nhưng điều này cũng có lý do.

Hội An quá nhỏ, quá chật hẹp, hơn nữa đây lại là thành phố di sản thì không thể đưa tất cả mọi thứ từ ồn ào, xô bồ vào trong một phạm vi được. Làm như vậy sẽ rất xung đột. Thế mạnh của Hội An là chiều sâu di sản, văn hóa, môi trường.


Để góp phần đa dạng hóa sản phẩm, Hội An đã cố gắng quy hoạch và đưa vào các công viên chủ đề, các hoạt động mềm mại hơn phù hợp với thị hiếu của các dòng khách nội địa như các sự kiện đường phố về đêm trong phố cổ, các show diễn ở đảo Ký ức Hội An...


Trong tương lai gần, Hội An sẽ xây dựng đồng loạt các khu phố đêm, nhà cao tầng, ẩm thực đường phố… ở phường Thanh Hà. Lúc đó khách sẽ có thêm lựa chọn.


Giá cả ở Hội An có thật sự đắt?


* Dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, nhiều khách tới Hội An du lịch và than phiền việc hàng rong đeo bám, giá cả cao phi lý, phố cổ quá ngột ngạt. Ông nghĩ sao về những phản ánh này?


- Cao điểm dịp lễ khách đông, chúng tôi đã bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều người bán hàng rong trái phép. Dù vậy vẫn còn một vài người cố tình né tránh lực lượng chức năng để bu bám, làm phiền khách.


So với trước đây Hội An đã rất nỗ lực trong việc tạo môi trường trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm cũng cố gắng đa dạng để khách nán lại lâu hơn.


Còn về chuyện giá cả, rất khó để đánh giá vì mỗi nhóm khách, mỗi dòng khách lại có lựa chọn mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ rất khác nhau.


* Vì sao giá ăn uống, mua sắm, sử dụng dịch vụ trong khu phố cổ lại rất cao?


Hiện nay trong phố đi bộ là nơi sầm uất, chi phí mặt bằng rất cao. Do đó nếu muốn trải nghiệm ở đây thì đương nhiên giá sẽ cao. Làm sao có thể một bữa ăn ở phố đi bộ, nhìn ngắm không gian đẹp lại có giá ngang bằng với bên ngoài được? Muốn rẻ hơn thì Hội An cũng có rất nhiều khu tiện ích, cửa hàng phía ngoài.


Chuyện giá cả đắt rẻ là do thị trường quyết định. Tất cả các cửa hàng đều phải niêm yết giá, chỗ nào không chấp hành thì bị xử nghiêm.

Theo Thái Bá Dũng/ Tuổi Trẻ

Quảng Nam: Xe ùn ùn né trạm thu phí Điện Bàn, nhà đầu tư BOT tiếp tục gửi đơn "cầu cứu"

Sốt ruột vì xe ùn ùn né trạm thu phí, doanh nghiệp BOT lại gửi đơn cầu cứu


(Báo Tuổi Trẻ) - Sau khi 100% ý kiến đại diện dân sát trạm thu phí Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) không đồng tình đóng dải phân cách trên quốc lộ 1, dòng xe lại ùn ùn né trạm khiến doanh nghiệp thêm một lần nữa gửi đơn kêu cứu.





Xe ô tô đi đường vòng né thu phí ở thị xã Điện Bàn 


Ngày 5-5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã gửi đơn kêu cứu của Công ty Xây dựng công trình 545 - chủ đầu tư trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung - tới Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Điện Bàn để nghiên cứu, tham mưu hướng xử lý.


Doanh nghiệp nói địa phương từng cam kết không mở khu dân cư sát trạm BOT


Trong đơn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty Xây dựng công trình 545 cho biết doanh nghiệp thực hiện BOT Điện Thắng Trung từ giữa năm 2014, thời gian tính hoàn vốn từ 2016. 



Trong thời gian đầu, khoản thu hoàn vốn tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo phương án tài chính đã ký với Bộ Giao thông vận tải.


Tuy nhiên từ năm 2018, thu phí thực tế qua trạm sụt giảm liên tục. Nguyên do là việc miễn giảm giá vé đối với các phương tiện giao thông trên khu vực theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, phương án tăng giá vé theo quy định trong hợp đồng ba năm một lần chưa được cho áp dụng.


Mặt khác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào khai thác cũng khiến lượng xe qua quốc lộ 1 giảm.


Theo Công ty 545, vấn đề khiến thu phí sụt giảm nghiêm trọng nhất là việc hình thành các hạ tầng khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của thị xã Điện Bàn đoạn gần trạm thu phí.


Khi mở các khu dân cư thì hình thành các tuyến đường dẫn đến xe cộ khi tới gần trạm thì chạy vòng tránh né việc đóng phí.


"Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án thì nhà đầu tư cũng đã làm việc với địa phương việc lựa chọn vị trí đặt trạm. Địa phương cũng thống nhất là sẽ đặt xa khu dân cư và không trúng vùng quy hoạch" - Công ty 545 nêu ý kiến.


Kêu cứu nhiều lần, chính quyền hỏi nhưng dân không đồng ý, nay lại kêu cứu

Doanh nghiệp này cho biết đã nhiều lần gửi văn bản từ trung ương tới địa phương để kêu cứu. Nhưng tới nay vẫn chưa có phương án cụ thể nào để hướng xe vào trạm BOT.


Hiện nay nguồn thu của dự án sụt giảm tới 90% so với phương án tài chính trong hợp đồng. Thu hằng ngày không đủ trả lãi ngân hàng, doanh nghiệp cũng không có kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa toàn tuyến đang khai thác.


Dự án có nguy vỡ phương án tài chính do thời gian thu phí kéo dài, doanh nghiệp đối diện mối lo phá sản.


Từ thực tế trên, Công ty 545 đề nghị tỉnh Quảng Nam có giải pháp chỉ đạo, xử lý để hạn chế xe đi vòng mà không hướng vào trạm BOT của doanh nghiệp này.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, UBND  thị xã Điện Bàn nghiên cứu, có ý kiến giải quyết.

Trạm BOT vắng lặng trong khi xe ùn ùn vòng qua đường dân sinh 


Đây không phải lần đầu chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung gửi đơn kêu cứu vì quá sốt ruột khi thấy xe cộ đi đường vòng né trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1. Mới nhất, đầu năm 2024 doanh nghiệp này cũng đã gửi đơn với nội dung tương tự.


Sau khi tiếp nhận đơn, thị xã Điện Bàn cùng đơn vị quản lý đường bộ, doanh nghiệp cùng đại diện khu dân cư đã trực tiếp khảo sát vị trí dải phân cách đặt trước và sau trạm BOT.


Nhận thấy việc đóng dải phân cách để buộc xe phải vào trạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn người dân sống ở các khu dân cư hai bên trạm thu phí nên chính quyền đã họp lấy ý kiến bà con. Kết quả, 100% ý kiến đại diện người dân không đồng tình đóng dải phân cách.


Mọi việc về lại vị trí cũ. Cảnh ùn ùn xe vòng trạm cả đêm lẫn ngày, trong khi trạm thu phí đón lõng trên quốc lộ lại vắng hoe.

Theo Thái Bá Dũng/ Tuổi Trẻ

Đà Nẵng: Công viên rồng, cần hay không?

- Chẳng phải thành phố đã có chủ trương rồi sao! Cảnh ngổn ngang ở khu đất dự kiến làm công viên rồng. Cảnh ngổn ngang ở khu đất dự kiến làm...