September 9, 2023

Gần 118.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học

Gần 118.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học, tính đến 17h ngày 8/9.


Bộ Giáo dục và Đào tạo tối nay cho biết trong hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, có hơn 660.000 đăng ký xét tuyển đại học. Trong đó, số trúng tuyển đợt 1 là gần 612.300, chiếm 92,7%.

Tính đến 17h ngày 8/9, hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, gần 494.500 em đã thực hiện, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển.

Số thí sinh không xác nhận nhập học là gần 118.000. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không có lý do chính đáng, những thí sinh này coi như từ chối quyền nhập học. Muốn học đại học, các em phải tham gia các đợt xét tuyển bổ sung hoặc đăng ký xét tuyển lại vào các năm sau.

Nếu tính trên tổng thi sinh dự thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh vào đại học năm nay sau đợt tuyển sinh đầu tiên chiếm tỷ lệ 49,3%.

Năm ngoái, trong hơn 567.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1, khoảng 103.000 bỏ nhập học. Tỷ lệ thí sinh vào đại học đợt 1 trên tổng số thi tốt nghiệp là 45,77%.

Số liệu tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2022 và 2023

Năm nay, hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.

Tại hội nghị tổng kết năm học với giáo dục đại học hôm 26/8, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá công tác tuyển sinh đại học đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống xét tuyển của Bộ.

Ngay sau khi thông báo điểm chuẩn hôm 24-25/8 đến đầu tháng 9, hàng chục trường thông báo tuyển bổ sung. Với số lượng bỏ nhập học lên tới gần 118.000, dự kiến số chỉ tiêu tuyển bổ sung sẽ tiếp tục tăng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được phép tuyển bổ sung đến tháng 12 nếu thiếu chỉ tiêu.

Theo Dương Tâm/ Vnexpress

September 8, 2023

Quảng Nam: Trường quốc tế bất ngờ đóng cửa, phụ huynh nói đã đóng ...14 tỷ học phí

Ngay đầu năm học mới 2023- 2024, Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots) bất ngờ thông báo đóng cửa khiến nhiều phụ huynh và học sinh như "ngồi trên đống lửa".

 Chồi Xanh "đá" qua, APU "đẩy" lại




Những ngày qua, nhiều người có con em theo học tại Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots), đóng tại phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam rất sốc và bức xúc khi nhận được thông báo đóng cửa từ phía nhà trường ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024..

Trường quốc tế Chồi Xanh ra thông báo đóng cửa ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024.

Theo phản ảnh của các phụ huynh, từ tháng 5/8/2023, Trường quốc tế Chồi Xanh do bà Catherine Clare Mckinley (52 tuổi, quốc tịch Anh) điều hành, người đại diện pháp luật là bà Sue Lyn Ryan (55 tuổi, quốc tịch Australia), đã tổ chức tuyển sinh học sinh từ mẫu giáo đến THPT năm học 2023-2024, dự kiến ngày 22/8 sẽ tựu trường năm học mới 2023-2024.

Bất ngờ vào ngày 8/8, tất cả phụ huynh nhận được thông báo từ bà Catherine Clare Mckinley qua email với nội dung đã chuyển toàn bộ học sinh đang theo học tại trường qua Trường quốc tế Mỹ APU Đà Nẵng (APU), đồng thời, bà Catherine không còn điều hành Trường quốc tế Chồi Xanh nữa.

Các phụ huynh bức xúc phản ánh rằng, trong nội dung email thông báo, bà Catherine không đưa ra bất cứ giải thích, lý do hoặc trao đổi nào về việc học sinh sẽ học ở trường APU mặc dù đã chuyển tiền học phí cho Trường quốc tế Chồi Xanh trước đó với số tiền dao động từ 350-400 triệu đồng/học sinh.

Dù họ phản ánh nội dung trên qua email cho bà Catherine, nhưng người này vẫn không đưa ra bất cứ giải thích, lý do hoặc trao đổi nào.

Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con theo học ở trường quốc tế Chồi Xanh chia sẻ, khi nhận được thông báo từ bà Catherine đã rất hoang mang. Đỉnh điểm đến ngày 11/8, trường APU đã gửi thông báo qua email rằng, họ không phải là trường mà con em của phụ huynh trường Chồi Xanh sẽ theo học. Lý do được APU đưa ra là vì trường không nhận học phí của phụ huynh Chồi Xanh

“Họ nói qua nói lại còn con em chúng tôi bị đẩy ra đường. Thậm chí, trường Chồi Xanh không có bất cứ trao đổi nào về số tiền đã nhận của phụ huynh và đã tháo dỡ hết các công trình trường, chấm dứt hoạt động. Giờ bà Catherine Clare Mckinley và Sue Lyn Ryan đã bỏ về nước”, phụ huynh này bày tỏ.

Cơ sở vật chất của trường học bị tháo dỡ.

Hiện tại, địa điểm dạy học của Trường quốc tế Chồi Xanh tại phường Cẩm Châu đã bị chủ nhà lấy lại, tiến hành tháo dỡ cơ sở vật chất. Đồng thời, các giáo viên bị cho thôi việc.

Bức xúc, nhiều người đã làm đơn tố giác gửi đến Công an tỉnh Quảng Nam để đề nghị xác minh, làm rõ dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Đơn vị đã nhận được đơn tố cáo về việc Trường quốc tế Chồi Xanh, trực thuộc Công ty TNHH Giáo dục Chồi Xanh Việt Nam về việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là học phí nhập học năm học 2023-2024 của học sinh. Hiện đơn vị đang xác minh thông tin để có hướng xử lý theo quy định pháp luật”, Đại tá Nguyễn Hà Lai- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết.

Sở Giáo dục và Đào tạo không thể can thiệp sâu

Liên quan vấn đề trên, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Nam Thái Viết Tường thông tin, sở đã nhận được phản ánh của các bậc phụ huynh và đã tổ chức kiểm tra. Đồng thời, mời đại diện Trường quốc tế Chồi Xanh và các phụ huynh làm việc.

Tại buổi làm việc cho thấy, nguyên nhân Trường quốc tế Chồi Xanh bất ngờ đóng cửa là do hết hợp đồng thuê nên bị lấy lại cơ sở vật chất, thu lại địa điểm dạy học. Để giải quyết vướng mắc, trường hứa mượn cơ sở vật chất của một đơn vị khác để tiếp tục giảng dạy. Hiện hai bên đang đàm phán, dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả.

Ngoài ra, khi bà Catherine Clare Mckinley về nước đã ủy quyền cho một người Việt Nam thay mặt xử lý mọi việc. Trường quốc tế Chồi Xanh có hiệu trưởng người Việt Nam là bà Thái Thị Quyên. Tuy nhiên, bà Quyên chỉ đứng trên danh nghĩa là hiệu trưởng nhưng lại không có quyền quyết định, cũng như không được can thiệp sâu vào việc điều hành của Trường quốc tế Chồi Xanh.

Hiện tại vụ việc đã được Sở GD&DDT báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Nam.

“Sở đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Đại sứ Quán Anh tại Việt Nam mời bà Catherine Clare Mckinley quay trở lại Việt Nam để giải quyết vụ việc trong trường hợp nhiều vướng mắc, khó khăn cần bà giải quyết”, ông Tường nói.

Cũng theo ông Tường, việc bà Catherine Clare Mckinley bỏ về nước đã để lại nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, Sở GD& ĐT chỉ quản lý về mặt nhà nước nên chỉ giải quyết đến vậy, chứ không thể can thiệp sâu.

Trước mắt, sở đề nghị các bậc phụ huynh chưa đóng học phí năm học mới cho Trường quốc tế Chồi Xanh tìm trường khác để đảm bảo việc học của con em mình. Còn những phụ huynh đã nộp học phí thì yêu cầu đại diện Trường quốc tế Chồi Xanh sớm giải quyết bằng cách thuê lại cơ sở vật chất mở lớp trở lại, tiếp tục đào tạo, giảng dạy như đã cam kết với phụ huynh.

Theo: https://kinhtedothi. vn/truong-quoc-te-dong-cua-chu-om-14-ty-dong-hoc-phi-ve-nuoc.html

September 7, 2023

Đà Nẵng: Xử phạt người phụ nữ giữ xe chợ đêm Sơn Trà thiếu tôn trọng khách

Sau khi nhận được phản ánh của công dân, UBND phường An Hải Tây xác minh người vi phạm và thực hiện xử phạt.

Ngày 6/9, theo UBND phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng, đơn vị vừa có quyết định xử phạt bà B.T.T, SN 1995, trú tại địa phương, là người giữ xe tại chợ đêm Sơn Trà.

Trước đó, UBND phường An Hải Tây nhận được phản ánh của công dân về việc người giữ xe, có thái độ khó chịu, đuổi du khách, người dân khi dừng xe tại cổng chính chợ đêm Sơn Trà.


Việc này gây mất hình ảnh trong mắt du khách, người dân.

Sau đó, UBND phường An Hải Tây đã kiểm tra thực tế, xác định người có hành vi như công dân phản ánh là bà B.T.T. và tiến hành mời về trụ sở làm việc.

Qua đó, UBND phường đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng đối với bà B.T.T..

Chợ đêm Sơn Trà. 

Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu bà B.T.T. thực hiện nghiêm túc việc ứng xử giao tiếp văn hoá, văn minh thương mại và trật tự đô thị. Nếu tiếp tục vi phạm, UBND phường sẽ tiến hành nghiêm cấm việc kinh doanh tại vị trí hộ dân đang hoạt động.

Ngoài ra, UBND phường đã mời tất cả các hộ giữ xe họp tại phường để quán triệt tất cả các nội dung liên quan đến quy định về giá giữ xe, chèo kéo khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng xử giao tiếp văn hoá văn minh thương mại, trật tự đô thị…

Qua đó, cơ quan chức năng yêu cầu tất cả các hộ dân nghiêm túc chấp hành các nội dung quy định của địa phương, nếu cố tình vi phạm, UBND phường sẽ xử lý nghiêm vi phạm hành chính theo quy định.

Tất cả các hộ dân cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định được UBND phường triển khai.

Chợ đêm Sơn Trà là địa điểm du lịch, ăn uống, mua sắm sôi động hấp dẫn du khách khi đến Tp.Đà Nẵng.

Theo: Nguyễn Duy Cường/ Báo Người Đưa Tin

September 1, 2023

Tin Bão số 3 (bão SAOLA)

Tin Bão số 3 (bão SAOLA) và các chỉ đạo ứng phó


(Chinhphu.vn) - Bão số 3 (bão SAOLA) mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17, di chuyển rất phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 10/CĐ chỉ đạo ứng phó bão



Bão SAOLA mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17 đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3

Chiều 30/8, bão SAOLA đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2023.

Hồi 07 giờ ngày 01/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/h.

Dự báo diễn biến bão số 3 (bão SAOLA) trong 24 đến 72 giờ tới: 

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

07h/02/9

Tây Tây Bắc, 10-15 km/h

21,9N-113,3E

trên vùng biển phía Nam Ma Cao (Trung Quốc)

Cấp 13, giật cấp 16

Bắc 19,5N;  111,5-118,0E

Cấp 3: phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông

07h/03/9

Tây Tây Nam, khoảng 10 km/h

21,2N-111,6E

trên vùng biển phía Tây Nam Quảng Đông (Trung Quốc)

Cấp 10, giật cấp 12

Bắc 19,5N;  110,0-115,0E

Cấp 3: phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông

07h/04/9

Tây Nam, khoảng

5 km/h

20,4N-110,9E trên vùng biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc)

Cấp 8, giật cấp 10

Bắc 19,0N; 109,5-113,5E

Cấp 3: phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông

Cảnh báo diễn biến bão SAO LA (bão số 3) (từ 72 đến 120 giờ tới)

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Nam, sau đó là Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy giảm thêm.

Dự báo tác động của bão SAOLA (bão số 3)

Trên biểnVùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Nước dâng, sóng lớn: Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m.

Công điện số 10/CĐ-QG ngày 31/8/2023 chỉ đạo ứng phó bão số 3 (bão SAOLA)

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai -Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 10/CĐ hồi 09 giờ 00 ngày 31/8/2023 gửi các tỉnh/ thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi về việc ứng phó với bão SaoLa.

Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.  

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thuỷ hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. 

Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân, tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. 

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. 

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão và công tác chỉ đạo ứng phó. 

Tổ chức trực ban nghiêm túc, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.Tin bão SAOLA và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 3.

3 kịch bản di chuyển của bão SAOLA

Kịch bản 01 (60-70%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và suy yếu dần
Kịch bản 02 (20%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đổi hướng di chuyển hướng về khu vực Lôi Châu (Trung Quốc).
Kịch bản 03 (10%): Sau khi di chuyển vào Biển Đông bão Saola sẽ đổi hướng, di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, đổ bộ vào khu vực giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc), suy yếu và tan dần

Hiệu ứng Fujiwara - Hiện tượng bão đôi

Trung tâm cũng thông tin, cùng với hoạt động của bão Saola thì lúc này ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, cách bão Saola khoảng 1500km về phía Đông cũng đang tồn tại một cơn bão mạnh khác, có tên quốc tế là HAIKUI.

Bão HAIKU mới hình thành, cường độ mạnh cấp 8, sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tạo ra hiệu ứng bão đôi trên Tây Bắc Thái Bình Dương khiến cho đường đi của bão SAOLA sẽ có những diễn biến phức tạp.

Sự xuất hiện của bão HAIKUI sẽ tương tác với bão SAOLA tạo ra hiệu ứng bão đôi, hay còn gọi là hiệu ứng Fujiwara. Với tương tác Fujiwara xuất hiện thì đường đi của bão SAOLA đã có nhiều thay đổi. 

Dự báo ban đầu bão đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc), sau đó di chuyển vào khu vực Phúc Kiến (Trung Quốc). Nhưng trong 1-2 ngày gần đây bão SAOLA dự báo của các Trung tâm dự báo bão quốc tế bắt đầu có sự thay đổi về hướng dịch chuyển, lệch hơn về phía Nam và đi vào Biển Đông trong khoảng 30 đến 48 giờ tới.

Do có nhiều yếu tố chi phối nên chưa có dự báo nào chắn chắn về hướng di chuyển của bão số 3 trong 3-5 ngày tới. Cần phải tiếp tục thẽo dõi và cập nhật. Trước mắt, cần lưu ý những nguy cơ tác động trên vùng biển phía đông của Bắc Biển Đông trong 2 ngày tới. 
Bão SAOLA không gây thời tiết xấu trên đất liền dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Nhận định về bão SAOLA, ngày 30/8, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong ngày 30/8, hoàn lưu bão SAOLA sẽ ảnh hưởng tới vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gây ra gió mạnh cấp 6.

Từ chiều và đêm 30/8 mạnh lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-12, sau tăng lên cấp 13-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao 6-8m; biển động dữ dội. Từ đêm 30/8, khu vực phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông có mưa bão.

“Bão SAOLA có thể là cơn bão thứ 3 hoạt động trên Biển Đông trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023.

Tuy nhiên, khả năng bão SAOLA ảnh hưởng gây gió mạnh trên cấp 6 và mưa to cho các khu vực ven biển và đất liền nước ta là không cao. Dịp nghỉ lễ 2/9, cơn bão này sẽ không gây thời tiết xấu trên đất liền”, ông Mai Văn Khiêm cho biết.

Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo, để chủ động ứng phó với diễn biến bão SAOLA, người dân, đặc biệt là các ngư dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh bão của chính quyền địa phương.

Cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Thời tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết chi tiết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1 đến 4/9) như sau:

Khu vực Bắc Bộ: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ, có nơi trên 34 độ C.

Khu vực Trung Bộ: Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến ít mưa, ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-35 độ C.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 31-34 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Chiều và tối có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to; ngày có nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày ở Tây Nguyên phổ biến 27-30 độ C; ở Nam Bộ phổ biến 29-32 độ C. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Khu vực Hà Nội: Đêm không mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-34 độ C.

Tin bão SAOLA và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 4.

DỰ BÁO GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN VÀ MƯA DÔNG TRÊN BIỂN

Ở trạm đảo Phú Quý đã có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Dự báo diễn biến trong 24h tới

Thời điểm dự báo

Vùng biển ảnh hưởng

Gió mạnh

Độ cao sóng

Cấp gió

(cấp Bô-pho)

Hướng

Độ cao (mét)

Hướng

Ngày và đêm 31/8

Khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa)

Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.

Tây Nam

2,0-4,0m

Tây Nam

Ngày và đêm 31/8

Vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.

Tây Nam

2,0-3,5m

Tây Nam

Ngày và đêm 31/8

Vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông

Gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Nhiều hướng

 

 

4,0-6,0m, vùng gần tâm bão 8,0-10,0m

Nhiều hướng

 

Ngoài ra, ngày và đêm 31/8, ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cảnh báo

Ngày và đêm 01/9, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16, biển động dữ dội, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 6,0-8,0m.

Vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biểncấp 2; vùng biển phía phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông: cấp 3.

Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Tin bão SAOLA và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 4.

Công điện số 09/CĐ-QG yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến của bão SAOLA

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 09/CĐ-QG hồi 10 giờ 30 ngày 29/8/2023 về việc chủ động ứng phó với bão SAOLA.

Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thứ ba, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Thứ tư, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tin bão SAOLA và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 5.

Công điện số 09/CĐ-QG yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến của bão SAOLA

CẬP NHẬT: Tin bão SAOLA và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 11.

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão SAOLA

Ngày 29/8/2023, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) có Công điện số 05/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh về việc chủ động ứng phó với diễn biến bão SAOLA.

Với yêu cầu chủ động ứng phó với diễn biến bão, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, căn cứ thực tế tình hình bão, các đơn vị cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến bão.

Thứ hai, sẵn sàng các điều kiện, lực lượng, phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát, điều tiết, phân luồng giao thông, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ địa phương di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu; 

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm tình hình liên quan đến thiên tai để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm; 

Phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn rà soát các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, nhất là các công trình có khả năng tác động, ảnh hưởng lớn khi xảy ra sự cố, kịp thời bổ sung các phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp; 

Tập trung nắm, trao đổi, phối hợp triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình có dự án trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; 

Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; 

Bảo đảm an toàn các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Thứ ba, các đơn vị làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với lực lượng tại hiện trường kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai. 

Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. 

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323).

Khẩn trương thông báo để tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão SAOLA, chiều 29/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 3 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. 

Các địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn.

Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo: https://xaydungchinhsach. chinhphu. vn/bao-saola-giat-tren-cap-17-tien-vao-bien-dong-119230829101640972.htm

Đà Nẵng: Công viên rồng, cần hay không?

- Chẳng phải thành phố đã có chủ trương rồi sao! Cảnh ngổn ngang ở khu đất dự kiến làm công viên rồng. Cảnh ngổn ngang ở khu đất dự kiến làm...