Thời gian qua việc phát hiện cán bộ sử dụng văn bằng giả để thăng tiến được dư luận quan tâm, từ cán bộ cấp xã đến cấp tỉnh mà điển hình là nữ Trưởng phòng cấp tỉnh Đắk Lắk và Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu… Để làm trong sạch cán bộ, một trong những giải pháp để ngăn chặn là phải công khai thông tin về văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử.
Phải công khai thông tin về văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử. (Ảnh: minh họa).
Sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến
Sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến là hiện tượng rất đáng phải suy nghĩ, trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện mới xảy ra ở Đắk Lắk: Một nữ trưởng phòng, dù chưa tốt nghiệp cấp 3, nhưng sử dụng bằng giả để đi học lên cao và tiến thân. Lạ lùng hơn nữa, việc cô này gian dối về bằng cấp đã xảy ra tới 20 năm, nhưng đến giờ mới được phát hiện khi có đơn tố cáo. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nữ trưởng phòng tỉnh Đắk Lắk tồn tại được 20 năm và thăng tiến, bổ nhiệm trong suốt thời gian dài mà không ai phát hiện ra?
Tương tự trường hợp ông Thái Đình Hoài (43 tuổi, quê Nghệ An) bị tố dùng bằng tốt nghiệp THPT giả khi đang giữ chức Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (PC03 - Công an tỉnh Lai Châu).
Năm 1996, với học bạ và bằng THPT giả, ông Hoài xin đi nghĩa vụ vào ngành công an tại tỉnh Lai Châu (cũ). Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu - Điện Biên, ông Hoài được điều động lên công tác tại Công an tỉnh Lai Châu, sau đó tiếp tục được đi học tại Đại học Cảnh sát, rồi được quy hoạch, bổ nhiệm Phó trưởng phòng, Trưởng phòng PC03 và được tổ chức cử đi học Cao cấp lý luận chính trị. Điều đáng nói ngành công an quản lý rất chặt chẽ về hồ sơ, lý lịch thế mà để lọt sau 23 năm qua nhiều lớp học và chức vụ khác nhau nhưng không bị phát hiện.
Năm 2018, phát hiện ông Nguyễn Trọng Điều, nguyên Phó chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương không học hệ tại chức ngành kế toán tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp năm 1994. Khi kiểm tra hồ sơ gốc với số hiệu bằng như của ông Điều thì không thấy có tên.
Trường hợp ông Phạm Trung Thành, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương không có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (Bằng cấp 3) và đã sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp để thi tuyển, học tập, tốt nghiệp và được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng cử nhân Luật. Tuy nhiên, trường Đại học Luật Hà Nội đã xác định bằng đại học Luật của ông Thành là bằng không hợp pháp…
Chúng ta thấy có nhiều đối tượng khác nhau có sự giả dối về bằng cấp, nhưng có điểm chung là do người dân tố cáo, chứ không phải do công tác cán bộ chỉ ra. Đây có thể coi là lỗi trong công tác cán bộ hiện nay cần phải loại trừ.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng đó là do sự đảo lộn giá trị? Khi chúng ta còn sính bằng cấp, cơ quan công quyền đòi hỏi bằng cấp này thì mới được chức vụ kia, cho nên bằng cách này hay cách khác họ phải thực hiện cho được.
Ai cũng biết cán bộ cấp này thì phải có bằng cấp, chứng chỉ đó là đúng, nhưng bằng cấp không phải là sự thể hiện của trình độ thực, nhưng chúng ta có tâm lý ai cũng nhìn vào hồ sơ, bằng cấp. Thứ nữa là công tác tuyển chọn của ta còn sơ sài về hồ sơ, lý lịch nhất là trong quá trình công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Câu hỏi đặt ra tại sao các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng như nước ngoài họ trọng cái cách ứng viên tuyển dụng thực hiện công việc như thế nào, họ phỏng vấn để nắm bắt được năng lực và qua thực tế họ thực hiện.
Để khắc phục tình trạng trên chúng ta cần có nhiều giải pháp trong công tác cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý cán bộ, đào tạo, bổ nhiệm…
Phải công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử
Quản lý văn bằng, chứng chỉ là một nội dung để quản lý cán bộ, đảng viên. Quá trình này đòi hỏi phải công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử đơn vị mình để cho dân giám sát.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ, bao gồm: Bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THTP, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học (bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ), và các loại chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là quy chế mới vừa có tính hợp nhất, vừa có tính thay thế cho các quy chế hiện hành (trong đó có một quy chế được ban hành từ năm 2007 và sửa đổi năm 2012, một quy chế được ban hành năm 2015).
Quy chế mới đưa ra 4 nguyên tắc trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, gồm: Nguyên tắc quản lý thống nhất, đồng thời thực hiện phân cấp cho các sở G&-ĐT và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, giáo dục đại học; văn bằng chứng chỉ chỉ được cấp một lần (trừ trường hợp bị ghi sai nội dung); nghiêm cấm mọi hành vi gian lận; bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Theo nguyên tắc thống nhất quản lý và phân cấp, giao quyền tự chủ về văn bằng, chứng chỉ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp THCS, THPT, tốt nghiệp các ngành/trường đào tạo giáo viên, mẫu chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.
Các cấp sở, phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, quản lý việc sử dụng phôi bằng, chứng chỉ theo phạm vi được phân cấp; các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ được phân cấp cụ thể như sau: Bằng tốt nghiệp THCS do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp; bằng tốt nghiệp THPT do giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo cấp; bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm do người đứng đầu cơ sở đào tạo giáo viên hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo giáo viên cấp; văn bằng giáo dục đại học do giám đốc đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp (giám đốc đại học cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trực thuộc chứ không phải cho người học ở các trường đại học thành viên); giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ cho người học theo quy định.
Qui chế này có hiệu lực từ ngày 15.1.2020./.